Tính toán sai lầm của Tổng thống Hàn Quốc trong sự kiện bất ngờ 6 giờ thiết quân luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự kiện Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố thiết quân luật trong vòng 6 giờ rồi dỡ bỏ là một ví dụ điển hình về cái mà các nhà khoa học chính trị gọi là “tự đảo chính”. Thất bại này cũng là một ngoại lệ đáng chú ý trong xu hướng các cuộc “đảo chính ngược” đang ngày càng phổ biến thời gian gần đây.
Đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc chặn cửa bên trong Quốc hội để họp khẩn nhằm bác lệnh thiết quân luật của Tổng thống

Đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc chặn cửa bên trong Quốc hội để họp khẩn nhằm bác lệnh thiết quân luật của Tổng thống

Một điều bất ngờ nhưng không phải là chưa từng có tiền lệ đã xảy ra ở Hàn Quốc vào ngày 3-12-2024. Không hề có dự liệu trước, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ban bố thiết quân luật khẩn cấp, viện dẫn mối đe dọa từ “các lực lượng chống đối nhà nước”. Động thái này dường như nhằm mục đích hạn chế các nỗ lực của phe đối lập trong việc ngăn chặn chương trình nghị sự của ông Yoon thông qua việc kiểm soát quốc hội, nhưng tuyên bố lập tức khiến dư luận trong nước và quốc tế sửng sốt. Như một cư dân Seoul đã nói với các phóng viên: “Cảm giác giống như một cuộc đảo chính”.

Bài viết trên trang The Conversation (mạng lưới truyền thông phi lợi nhuận của các học giả, nhà nghiên cứu trên toàn cầu) cho biết, các cuộc tự đảo chính trên thế giới đang trở nên phổ biến hơn, tần suất xuất hiện nhiều hơn trong thập kỷ qua so với bất kỳ giai đoạn nào kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Nhưng các cuộc tự đảo chính này thường có nguyên nhân/mục đích gì? Tại sao, không giống như khoảng 80% các cuộc tự đảo chính, nước cờ của Tổng thống Yoon Suk Yeol lại thất bại?

Binh sĩ Hàn Quốc rất bình tĩnh và không mang theo đạn thật khi được lệnh thiết quân luật

Binh sĩ Hàn Quốc rất bình tĩnh và không mang theo đạn thật khi được lệnh thiết quân luật

Thế giới đã ghi nhận 46 vụ “tự đảo chính” kể từ 1945

Tất cả các âm mưu đảo chính đều có những đặc điểm chung liên quan đến nỗ lực nắm quyền hành pháp, đòi hỏi sự hưởng ứng hoặc hỗ trợ từ quân đội, nhân viên dân sự. Tuy nhiên, có một số cuộc đảo chính do nhà cầm quyền chủ động chỉ đạo thực hiện, gọi là đảo chính tự thân hay đảo chính ngược. Ở đó, thay vì thay thế lãnh đạo đất nước một cách vi hiến, cơ quan hành pháp thực hiện hoặc “bật đèn xanh” cho các hành động bất hợp pháp nhằm kéo dài thời gian tại vị (hoặc mở rộng quyền lực) của nhà lãnh đạo đương nhiệm. Một số nơi đã thành công kiểu này như Tổng thống Kais Saied của Tunisia dàn dựng một cuộc tự đảo chính hồi tháng 7-2021 bằng cách giải tán quốc hội và cơ quan tư pháp để mở đường cho ông mở rộng quyền lực. Đến nay, ông Saied vẫn nắm quyền và hiện tượng “các nhà lãnh đạo trọn đời” ở châu Phi có vẻ phổ biến hơn.

Trường hợp tự đảo chính khác có thể kể đến là một nhà lãnh đạo ép các quan chức nhà nước hoặc cơ quan lập pháp lật ngược tình thế thua cuộc trong bầu cử. Thế giới đã thấy điều này sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Tổng thống Donald Trump khi đó đã gây sức ép với các quan chức địa phương và Phó Tổng thống Mike Pence để lật ngược kết quả bầu cử.

Nhóm học giả của The Conversation cho biết, thế giới đã ghi nhận 46 vụ tự đảo chính kể từ năm 1945, bao gồm cả sự việc mới nhất ở Hàn Quốc. Trong số đó, hơn 50% nhắm vào ngành tư pháp hoặc cơ quan lập pháp, khoảng 40% tìm cách phá hoại các cuộc bầu cử hoặc ngăn cản người thắng cử, phần còn lại nhắm vào các nhóm tinh hoa khác hoặc một cơ quan hành pháp danh nghĩa. Trường hợp của Hàn Quốc là Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tuyên bố thiết quân luật để giành quyền hành pháp từ cơ quan lập pháp do phe đối lập lãnh đạo. Điều thú vị là chỉ có 1/4 cuộc tự đảo chính liên quan đến tuyên bố tình trạng khẩn cấp như vậy.

Trong 10 năm qua, phong trào tự đảo chính của các nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ chiếm 1/3 tổng số vụ việc kể từ năm 1946. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để lý giải cho sự gia tăng này, nhưng một phần câu trả lời nằm ở sự suy giảm của các chuẩn mực chống đảo chính, ví dụ như từ chối công nhận chính quyền, cắt giảm viện trợ nước ngoài hoặc hủy bỏ các thỏa thuận thương mại…

Lệnh thiết quân luật ngắn ngủi của Tổng thống Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dân chúng

Lệnh thiết quân luật ngắn ngủi của Tổng thống Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dân chúng

Xác suất rủi ro

Những nhà lãnh đạo tự đảo chính thường dự đoán về cơ hội thành công cao. Theo dữ liệu của The Conversation, trong khi chỉ có 50% âm mưu đảo chính truyền thống thành công thì tỷ lệ này ở các cuộc đảo chính tự thân là hơn 80%. Thành công của đảo chính phụ thuộc vào sự phối hợp của nhiều yếu tố, trong đó có sự ủng hộ của các đồng minh (đảng phái, giới tinh hoa quân sự). Nhưng với Tổng thống Hàn Quốc, nước cờ ông tính toán đã thất bại ngay từ động cơ nhằm “cảnh báo” phe đối lập đến thời khắc “vào việc”.

Theo Financial Times, không nhiều người biết rằng, 30 phút sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật (đêm 3-12), lực lượng đặc nhiệm mà ông điều động để chiếm giữ Quốc hội đã gặp vấn đề. Đó là trực thăng của họ không được phép vào vùng cấm bay gần đó. Lực lượng đặc nhiệm đến muộn 40 phút nghĩa là các nhà lập pháp đã kịp vào tòa nhà Quốc hội và bỏ phiếu chống lại sắc lệnh thiết quân luật. Trục trặc này cho thấy bản chất hỗn loạn trong nỗ lực áp đặt thiết quân luật trong thời gian ngắn của Tổng thống Yoon. “Sự phối hợp cực kỳ hỗn loạn giữa các sĩ quan quân đội và cảnh sát cấp cao đã giúp bảo vệ nền dân chủ của chúng ta khỏi cuộc đảo chính tự thân của ông Yoon” - ông Kim Jong-dae, cựu nghị sĩ nói với truyền hình Hàn Quốc hôm 5-12.

Trung tâm đầu não của lệnh thiết quân luật nói trên được gọi là “phe Chungam” bao gồm Tổng thống Yoon cùng những người bạn học cũ (ở học viện quân sự) như Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, Tổng Tư lệnh quân đội Park An-su, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Kwak Jong-geun, chỉ huy Lee Jin-woo và Chỉ huy Cơ quan Tình báo quốc phòng Yeo In-hyung. Vai trò chính xác của mỗi quan chức nói trên trong đêm đó vẫn đang được làm sáng tỏ. Đáng nói, ngoài một số ít cố vấn thân cận này, không ai trong bộ chỉ huy quân sự cấp cao hoặc lãnh đạo chính trị có đủ thời gian để chuẩn bị cho việc áp đặt thiết quân luật một cách hiệu quả.

Ông Han Dong-hoon - lãnh đạo đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền ngày 6-12 còn cho biết, ông đã nhận được thông tin tình báo rằng Tổng thống Yoon đã ra lệnh cho quân đội bắt giữ các chính trị gia nổi tiếng. Ông Chun In-bum - một Trung tướng đã nghỉ hưu tin rằng, giới lãnh đạo quân đội nói chung “hoàn toàn không chuẩn bị” cho quyết định vội vàng và bất thường ấy. “Ông Yoon đã phán đoán sai về tình hình. Những người lính đã tuân lệnh của ông ấy, nhưng không tích cực như vậy” - ông Chun nhìn nhận.

Ông Park Bum-jin - cựu Đại tá Hải quân cũng cho biết, giới lãnh đạo quân đội khi đó có phần lo ngại về hậu quả khi tuân theo các lệnh sau này được chứng minh là bất hợp pháp. Còn Andrew Gilholm - Giám đốc phân tích về Trung Quốc và Hàn Quốc tại Control Risks (một công ty tư vấn rủi ro địa chính trị) cho biết, quân đội Hàn Quốc dường như “nửa vời” trong việc tuân thủ lệnh thiết quân luật. Ông lưu ý rằng, trong khi quân đội xông vào tòa nhà Quốc hội và xô xát với các nhà lập pháp, họ không nổ súng, không bắt giữ các lãnh đạo phe đối lập và không ngăn cản cuộc bỏ phiếu diễn ra.

Các phương tiện truyền thông địa phương cũng đưa tin, binh sĩ tại hiện trường được yêu cầu không sử dụng vũ lực và không được cung cấp đạn thật. Ngoài Quốc hội, quân đội đã được điều đến tòa nhà của Ủy ban Bầu cử cũng như trụ sở của một đài phát thanh đối lập nổi tiếng. Tuy nhiên, các chương trình phát sóng đã hoạt động suốt đêm mà không bị gián đoạn và không nghị sĩ đối lập nào bị bắt giữ. Theo một cựu cố vấn của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, điều này phản ánh rằng bất kể sắc lệnh nói gì, các kế hoạch do Tổng thống Yoon và các cố vấn thân cận thiết kế có vẻ như có phạm vi hẹp. Ông Andrew Gilholm cũng cho rằng, nhiều dấu hiệu cho thấy hầu hết các chỉ huy và binh sĩ không muốn tham gia vào việc này, trong khi kế hoạch mơ hồ và thiếu liên lạc thông suốt khiến mọi việc diễn ra không như mong đợi của Tổng thống Yoon.

Điều gì xảy ra với những nhà lãnh đạo tự đảo chính thất bại? Hiếm khi họ vẫn giữ được chức vụ vì nguy cơ bị luận tội rất cao. Trong lịch sử, chỉ có một nhà lãnh đạo tự đảo chính thất bại nhưng vẫn giữ chức trong hơn 1 năm cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ, đó là Tổng thống Joaquín Balaguer của Cộng hòa Dominica. Ông tiếp tục tại nhiệm năm 1994 với điều kiện là sẽ không tái cử vào năm 1996. Bởi vậy, khả năng những ngày nắm quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol chỉ là con số đếm ngược, nhất là khi kết quả bỏ phiếu luận tội ông vào tối 7-12 ngã ngũ.