- [ẢNH] Sơn Tùng M-TP: "Trùm" sở hữu các bài hát "vàng" phá vỡ kỷ lục triệu views
- Hà Nội ra văn bản ngăn chặn hành vi biến thái trên xe buýt, tè bậy nơi công cộng
- 7 công ty du lịch của Việt Nam bị Nhật Bản đình chỉ tư cách đại diện xin visa
Triển lãm gồm 3 phần: Nấc thang cuộc chiến, Khát vọng hòa bình và Thông điệp cho ngày mai. Triển lãm gửi đi thông điệp “Không bao giờ là quá muộn cho hòa bình”, “Hà Nội – Thành phố vì hòa bình” và “Việt Nam – điểm đến của sự hợp tác, hữu nghị và hòa bình”.
Những câu chuyện về tình đoàn kết của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã vượt qua khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, tôn giáo để lên tiếng phản đối cuộc chiến mà Đế quốc Mỹ từng tiến hành ở Việt Nam được kể lại qua những bức tranh, những thước phim.
Có những câu chuyện được khai thác từ các nhân chứng lịch sử từng phụ trách về hoạt động quốc tế hay câc đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở các nước.
Hạ sỹ Lục quân Rober P. Chenoweth (ngoài cùng bên phải) gặp lại những cựu chiến binh Việt Nam
“Trở về Mỹ sau những năm tháng chiến tranh tại Việt Nam, tôi trở thành một nhà hoạt động chống chiến tranh. Bằng tất cả tình yêu với Việt Nam, tôi chia sẻ về lịch sử của đất nước Việt Nam đến với tất cả trẻ em Mỹ. Hà Nội sau 13 năm, tôi thực sự bất ngờ trước những thay đổi của Hà Nội cũng như Việt Nam”, ông Rober P. Chenoweth, Hạ sỹ Lục quân Mỹ, người từng bị giam giữ trong Nhà tù Hỏa Lò chia sẻ.
“Một cảm giác triển lãm tuyệt vời. Thật đáng kinh ngạc khi ở đây, nơi nhiều tù nhân chính trị đấu tranh dưới quyền của Pháp nhiều năm trước. Ở đó cha tôi ở lại 5 năm và được người Việt đối xử rất tốt. Đây là một lễ kỷ niệm hòa bình tuyệt vời, trong thành phố của hòa bình ngày nay”, con trai Hạ sỹ Lục quân Robert, cùng tới Việt Nam tham dự khai mạc triển lãm "Nhật ký hòa bình" chia sẻ với phóng viên.
Chiến tranh đã để lại nỗi đau dai dẳng cho những người lính trận mạc ở cả hai chiến tuyến. Hai mươi lăm năm qua, cùng với chính phủ, không ít cựu binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam với mong muốn góp phần giảm đi những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại trên mảnh đất này. Cần mẫn, âm thầm, những người từng ở phía bên kia chiến tuyến đã và đang nỗ lực hàn gắn vết thương thời chiến, cùng chung tay tìm kiếm quân nhân mất tích, rà phá bom đạn chưa nổ, hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam.
Ngày hôm nay, Việt Nam đang đổi mới, vững mạnh về mọi mặt, tham gia một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề quốc tế để cùng chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng. Thủ đô Hà Nội đang trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, nơi trao đổi các vấn đề quốc tế, xứng đáng với danh hiệu được UNESCO công nhận: "Thành phố vì hòa bình".
Đông đảo du khách có mặt tại triển lãm đã dừng lại rất lâu bên những hiện vật gắn bó với các nhân chứng lịch sử, các cá nhân, tổ chức phản chiến giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ được giới thiệu đến đông đảo công chúng: Huy hiệu, phụ nữ Mỹ đeo trong các cuộc mít tinh, biểu tình để phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành tại Việt Nam (1964 - 1973); Thống kê thư của bà Cora Weiss - người đứng đầu phong trào Phụ nữ đấu tranh vì Hòa bình và các nhà hoạt động xã hội đã chuyển từ các phi công Mỹ ở các Trại giam miền Bắc đến gia đình và ngược lại; Giấy ra vào Sân bay Gia Lâm, ông Hoàng Văn Quấn, quản giáo Trại giam Hỏa Lò được Chính phủ Việt Nam cấp để sử dụng trong thời gian thực hiện công tác trao trả phi công Mỹ, năm 1973; Sưu tập báo phản chiến do binh sỹ Mỹ xuất bản và phát hành tại các doanh trại, tàu chiến Mỹ (từ năm 1968 - 1972) do các tổ chức hòa bình tặng cán bộ quản giáo Trại giam Hỏa Lò; Báo The Veterran (Cựu chiến binh) số 2, tập 47 do các cựu chiến binh Mỹ chống chiến tranh Việt Nam quyên góp kinh phí để xuất bản tại New York, Hoa Kỳ, mùa thu năm 2017...
Trong triển lãm lần này, những món quà tình nghĩa sẽ được trao tận tay các nạn nhân chất độc gia cam ở Làng Hữu nghị Việt Nam (Hoài Đức, Hà Nội).
Triển lãm là hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm ngày diễn ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964 – 5/8/2019), 20 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 – 16/7/2019).
Trưng bày diễn ra từ ngày 2/7/2019 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hai mươi năm - một chặng đường, Hà Nội nỗ lực chuyển mình, không chỉ là thành phố năng động sau chiến tranh, mà còn tạo dựng được môi trường sống yên bình, cởi mở, phát triển. Ngày hôm nay, danh hiệu cao quý này vừa là động lực, vừa là thách thức để Hà Nội phấn đấu không ngừng, chung tay góp sức vì một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho tương lai.